Tại Hà Nam tính đến năm 2001 đã phát hiện 30 di tích, di vật thuộc văn hóa Đông Sơn trong tổng số 400 di tích thuộc văn hóa Đông Sơn trên toàn quốc, có những di vật khá tiêu biểu như trống đồng Ngọc Lũ cùng 17 chiếc trống khác, hay như thạp đồng, rìu đồng, giáo đồng, hoặc như mộ thuyền ở Kim Bảng, Duy Tiên. Có thể nói những giá trị văn hóa của nền văn minh này đã hội tụ đủ sức mạnh để tồn tại và nuôi dưỡng trong suốt 1000 năm Bắc thuộc, để đến khi có điều kiện thì nhân dân Hà Nam cùng cả nước vùng lên kiên quyết đánh tan quân xâm lược giành lại nền độc lập cho dân tộc.

Trống đồng Ngọc Lũ

Trống đồng Ngọc Lũ
Trống đồng Ngọc Lũ


Vào thời Hùng Vương, Hà Nam thuộc vùng đất của bộ Giao Chỉ gồm các huyện Duy Tiên, Kim Bảng, Thanh Liêm, Bình Lục và một phần đất huyện Lý Nhân. Cư dân Hà Nam thời kỳ này đã trải qua một quá trình chinh phục, thích ứng và từng bước làm chủ vùng đất trũng lầy. Họ đã cùng với những người Việt cổ khác trên cả nước góp phần xây dựng nền văn minh bản địa đầu tiên của dân tộc - văn minh Văn Lang - Âu Lạc. Cư dân Hà Nam cùng cư dân cả nước từ những vùng hoang vu rậm rạp tiến về xuôi theo triền những con sông để tiến hành khai hoang lập ấp, tạo dựng nơi cư trú. Dần dần họ đã tạo dựng cho mình một cuộc sống ngày càng dễ chịu và một nền văn hóa mang tính bản địa.

Trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Hà Nam có nhiều nữ tướng cầm quân theo Hai Bà. Đó là Nguyệt Nga ở Duy Tiên, Cao Thị Liên ở Thanh Liêm. Hà Nam còn có căn cứ của Lê Chân ở Kim Bảng chống lại quân Đông Hán.

Trong cuộc khởi nghĩa Lý Bí và Triệu Quang Phục, tướng Đinh Lôi ở Thanh Liêm là người tài giỏi giúp Lý Bí đánh giặc Lương lập được nhiều chiến công. Sau chiến thắng (542) Đinh Lôi được Lý Bí cử ra trấn trị miền Đông Bắc. Sau khi Lý Bí mất năm 548, giao lại binh quyền cho Triệu Quang Phục, Đinh Lôi lại theo Triệu Quang Phục tiếp tục chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn. Ông được phong là "Sinh thần Đại Vương".

Trong thời kỳ đầu xây dựng và bảo vệ quốc gia độc lập tự chủ (Khúc, Ngô, Đinh, Tiền Lê) mảnh đất và con người Hà Nam đã tích cực ủng hộ Khúc Thừa Dụ, Dương Đình Nghệ. Sau khi Ngô Quyền mất, thân quyến của Ngô Quyền đã đem 40 người về Thanh Liêm cư trú.

Đinh Bộ Lĩnh dựng cờ khởi nghĩa, ngay cả nhà sư Nguyễn Minh Quang trụ trì tại chùa Bảo Thái (Thanh Liêm) cũng đã tích cực vận động các đệ tử tham gia tụ nghĩa dưới ngọn cờ của ông. Đó còn là Nguyễn Ninh, Nguyễn Tĩnh ở Bình Lục chiêu mộ quân sĩ, lập đồn trại tại quê hương giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn. Đó là Trương Nguyên, một tướng tài của Đinh Bộ Lĩnh được ban quốc tính. Sau khi Đỗ Thích giết chết hai cha con Đinh Tiên Hoàng vào tháng 10/979, năm 980, Lê Hoàn lên ngôi. Ông củng cố quốc phòng xây dựng kinh tế. Ông đã thân sinh đi cày ruộng tịnh điền ở Đọi Sơn (Duy Tiên).

Tượng thờ vua Lê Hoàn

Vua Lê Hoàn
Vua Lê Hoàn

Sử cũ chép "Đinh Hợi, năm thứ 8 (987) mùa xuân, vua bắt đầu cày ruộng tịnh điền ở núi Đọi, được một chĩnh nhỏ vàng, lại cày ở núi Bàn Hải, được một chĩnh bạc nhỏ, vì thế đặc tên là ruộng kim ngân" (Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, H.1972 trang 141), chính từ sự kiện này, Lê Hoàn là ông vua đầu tiên trong lịch sử xuống đồng thâm nhập thực tế, đã mở rộng chính sách trọng nông truyền thống cho nhiều đời sau.

Thời kỳ này nghề thủ công truyền thống ở Hà Nam như nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa tiếp tục phát triển. Năm 985, Lê Hoàn đưa 1 vạn tấm lụa sang cống cho vua Tống… không những phát triển nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương nghiệp, vương triều Tiền Lê còn mở mang giao thông phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế và dân sinh.